Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

CÂU CHUYỆN LƯƠNG SƯ

   

 CÂU CHUYỆN LƯƠNG SƯ

              Học trò thò lò mũi xanh
              Cầm miếng bánh đúc chạy quanh nhà thầy  (CD)                                                                              
                                            
       * Kính gởi chị NGUYỆT THU - Người thầy học đầu tiên của tôi

     * Tặng các cháu : Nhân,Trí,Trực và Thức để biết thêm về người lương sư ngày ấy .

    * Tặng các bạn đã và đang đứng trên bục giảng : Trí Hồng, Hồng Đào, Văn Quỳnh, Đào Hùng , Minh Tâm, Xuân Hương, Cao Nguyên, Gió, Ngọc Yến, Hoang Mạc và KM .


   
                       NGƯỜI THẤY BẤT ĐẮC DĨ

… Lúc ấy gia đình chúng tôi ở sâu trong vùng giải phóng , không có trường học, không báo chí, không sách vở .

    Chúng tôi 3 anh em đã qua tuổi đến trường nhưng không biết chữ !

    Ba tôi và người anh hai đi theo kháng chiến thỉnh thoảng mới ghé thăm nhà.    Nhà chỉ có mấy mẹ con sống hui hút với nhau .

   Một hôm ba tôi về đem theo một quyển VẦN QUỐC NGỮ , mấy cuốn tập, viết, mực . Viết đây là ngòi viết là tre hay viết xi kên (Ngòi lá tre là viết có nét âm nét dương ; còn ngòi xi kên như là ngòi viết máy) ; mực là những cục nhỏ cở đầu đũa , bỏ vào nước hòa tan thành mực xanh hay tím …

   Quyển vần gồm 32 bài . mở đầu bài 1 là  : i , t  , ti , it  …u, ư, n, nu, nư ….

  Chị ba tôi được ba tôi giao trọng trách là dạy học cho ba anh em tôi .

  Đó là người thầy bất đắc dĩ , không có học sư phạm và trình độ văn hóa chỉ mới có lớp Nhì (lớp 4  bây giờ) !

  Chị tôi ban ngày lu bu , tất  bật với những công việc nội trợ , còn phải xay lúa, giả gạo , tắm em …cho nên “lớp học” của chúng tôi chỉ “mở” ra vào buổi tối !

   Học như vậy ngoài 30 đêm thì chúng tôi biết đánh vần và đọc được những bài báo do ba tôi đem về .

   Chúng tôi thoát dốt kể từ đấy ! Người thấy bất đắc dĩ nầy còn dạy cho chúng tôi biết viết và biết làm bốn phép toán . Sau nầy mấy đứa em của tôi không có điều kiện đến trường , nhưng nhờ vốn chữ ấy , chúng đọc được sách báo, làm được tính cộng trừ nhân chia, đáp ứng được những sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày là nhờ vào “người thầy”, người chị thân thương đó .

Hai đứa em gái tôi, một đứa rất thông minh , thường chị chỉ cho nó đọc một lần thì nó sẽ thuộc bài đó luôn ; nhưng còn một đứa thì rất tối dạ - nói theo kiểu dân gian – vì một bài học của nó chị tôi phải nhọc công dạy rất nhiều lần …

  Sau nầy ra đời cả hai đều thể hiện  y như hồi còn thơ học chữ .

  Người thầy ấy tuy không biết gì về giáo dục và sư phạm, nhưng cũng dạy có kết quả những trường hợp học sinh có nhiều trình độ .

   Lúc ấy tôi phải phụ với hai người anh trong công việc đồng áng việc học rất thất thường . Thấy vậy, chị chép cho tôi một bài thơ, không rõ tác giả, nhưng tôi thuộc lòng mãi đến bây giờ :

   Em mười hai tuổi Tết mười ba .
   Trần trụi quanh năm gió lộng nhà
    Sáng sáng buồn hiu ra cử ngắm,
    Những trò đi học bóng xa xa …

    Năm ngoái năm kia em cũng học,
    Nắn từng cục đất chữ i  tờ
    Chiến tranh đã phá trường em học
    Mới ráp vần xuôi chịu tới giờ …

    Hôm nào lượm được vần ai bỏ,
    Rách nát còn đâu có ít trang
    Mót chút cơm thừa em dán lại,
    Lem hem tuồng chữ quý hơn vàng …

    Rồi khi thong thả trâu ăn cỏ,
    Nằm ngữa lưng trâu mở quyển vần
    Quên cảnh đời nghèo quên đói lạnh
    Chữ còn chữ mất đọc vang rân …
     …
                         (không biết tác giả)

                           
   Khi chúng tôi về Thành phố , tôi bươn chảy tự học và cuối cùng cũng được đến trường . Tất cả nền móng đó , chị - người thầy bất đắc dĩ - là người vun đắp cho tôi .

  Lúc xưa chị viết chữ mẫu cho tôi tập viết theo : chữ đ , chữ T hoa, số 4, số 8 … giờ đây tôi vẫn còn giữ nguyện  trong lối viết tay .

  Thế mới biết ấn tượng ban đầu của người thầy học thật là mạnh mẽ , không cần người ấy có văn bằng sư phạm hay không .

  Khi tôi lên đại học, tôi vẫn ngụ ở nhà chị đi học . Tôi thấy chị đêm đêm khảo bài, nhắc bài cho lũ con của chị mà nhớ về một thời xưa cũ ..: Tôi nằm  lơ mơ trên bộ ván gõ đọc bài học thuộc lòng , trên chiếc võng đong đưa, mẹ tôi đang à ơi ru hời đứa em út trong giấc ngủ cô miên …Xa xa tiếng chày giả gạo lơi lơi trong cái xóm quê vắng vẻ, tịch liêu …


  Khi các cháu tôi đã học xong bậc tiểu học thì chị nói với tôi :

-    Bây giờ chị không còn chữ để kèm tụi nó nữa …Cũng như với em ngày nào vậy !

   Nhưng những đứa trẻ nầy đã có một căn bản về việc học của chúng từ lúc bé và được người mẹ, kiêm người thầy rèn cặp cho chúng ngay từ lúc tuổi hãy còn thơ …Sau nầy vào đời  chúng đều khá cả .

   Thế đó !

   “Người thầy” chỉ có trình độ lớp 4 ấy đã là lương sư của hai thế hệ , và đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc . Mỗi lần nhìn những đứa “học trò” của mình ngày xưa ấy đã có một chút chữ chắc chị không khỏi tự hào và người đưa đò ấy chắc không buồn vì khách qua đò tuy chỉ một lần thôi nhưng lòng khách vẫn nhớ mãi con đò ấy với tấm lòng biết ơn sâu sắc …

   Chị , 

   Năm  nay ngày 20 tháng 11 em xin gởi về cho chị một bông hồng gọi là nhớ về một thời xa xưa những gì chị đã vun đắp cho tụi em nên một người có chút chữ nghĩa với đời …

                                                    18.11.2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét