Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

HÌNH BÓNG CŨ ...






       NGÀY ẤY THIÊN THU 
             (Phần I)



   Trong tập hồi ký "Hình Bóng cũ" của tôi trước đây có rất nhiều hình ảnh của hầu hết những thành viên trong đại gia đình , song những gì nói về Ba tôi rất ít được tôi đề cập tới .



Các anh  chị  em  tôi thường thắc mắc sao trong tập hồi ký của tôi không có tiêu đề "NGƯỜI CHA" ? Tôi cũng là đàn ông - và cũng đã là Người Cha - sao tôi không viết về chủ đề đó ? Phải chăng tôi không có đề tài như nhà sư Thiện Minh (Sư Thiện Minh có xuất bản một quyển hồi ký với nhan đề Người Cha) ; hay là người cha không có gì để viết  ? 



Không phải như vậy . Song các đề tài viết về người cha rất hiếm , kể cả trong âm nhạc và thơ . Người ta thống kê và thấy rằng cứ 50 tác phẩm nói về người Mẹ thì mới có một bài nói về người cha !



Cho đến khi chấp bút viết những dòng nầy thì tôi cũng không hiểu tại sao như vậy ?
                                       
Giờ đây tôi đang ngồi đu đưa trên một cái võng ở một vùng quê để nhớ về một thời xa xưa , khi mẹ tôi còn sinh tiền và chúng tôi hãy còn thơ ấu … chúng tôi cùng quây quần bên nhau trong một căn nhà đơn sơ nhưng đầm ấm .



Dòng hồi ức mãi trào dâng làm cho tôi viết không kịp và tôi nghĩ rằng trong vài giờ nữa tôi sẽ hoàn thành hồi ký đầy những tình tiết xúc động về một người cha mà từ lâu vẫn âm ỉ sống trong trái tim tôi , song tôi không biết .



Sáng nay, Chúa Nhật ngày 24 tháng 10 , một cơn áp thấp nhiệt đới kéo đến đen trời . Hết gió rồi đến mưa dầm lạnh buốt …



Tôi lật lại các thơ từ cũ mà Ba tôi gởi xuống đây cho tôi từ ngày tôi cùng anh Tư tôi xuống làm ăn ở cái vùng quê hẽo lánh nầy . Đột nhiên nước mắt tôi từ từ chảy …



Trưa nay Khải – thằng em rễ của tôi -  về Cần Thơ , nơi có Ba tôi đang vò vỏ chờ tin từng đứa con .



Chuyện nhà chuyện cửa , chuyện làm ăn , con cái … của mỗi đứa năm nay sao có quá nhiều vận hạn làm cho Ba tôi không được vui .  



Tôi muốn theo Khải đi đò ra Nhu Gia để về Cần Thơ thăm Ba tôi ngay sáng hôm nay … Nỗi nhớ nhà nung nấu trong tim tôi như đốt cháy cả ruột gan … Dù ở Trại không có ai, nhưng tôi không thể ngồi lại đây được nữa …



 Tâm trạng tôi bây giờ sao giống như ngày xưa - khi tôi còn đi học ở Sài Gòn - mỗi lần về thăm nhà vào các dịp Tết hay hè… và tôi đã đặt một chân bên kia Bắc Bình Minh !



Tôi luôn luôn bỏ xe đò , không chờ xe qua bắc mà đón xe lôi về nhà … Hỏi lại thì chị Ba tôi và Phượng , cô em thứ chín của tôi cũng có tâm trạng giống như tôi… 



Thường tôi hay tranh thủ về thăm nhà vào chiều thứ bảy, đến bên kia Bắc Bình Minh thì trời đã gần  khuya . Đứng trên chiếc bắc đang chạy qua sông Hậu nhìn Thành phố Cần Thơ về đêm thật là đẹp và hùng vĩ : ngọn đèn tín hiệu trên cao chớp tắt nhịp nhàng ; ánh sáng của những bóng đèn đêm chiếu rọi lên cao làm thành một vùng sáng mênh mông …



Thật khó mà diễn tả tâm trạng tôi lúc đó… và cũng chính vì thế mà tôi luôn bỏ xe đò để lên xe lôi đi cho nhanh …



Bây giờ tôi đã hiểu vì sao hồi ký NGƯỜI CHA  tôi chưa viết …  



                                        *



Vào những năm 70 , Mẹ tôi bị một cái bướu cổ càng ngày càng phát triển, và bác sĩ bảo phải mỗ . Cả nhà tôi mọi người đều lo xanh mắt . Mỗ hay không mỗ là một đề tài chúng tôi bàn rất lâu vì cái bướu dạng nầy rất nguy hiểm : lành ít , dữ nhiều ! Đụng dao kéo vào nếu là bướu ác tính thì thời gian kết thúc chỉ tính từng tháng mà thôi .



Song cuối cùng chúng tôi cũng nghe theo lời tư vấn của anh Phán tôi là phải đưa mẹ tôi đi mổ .



Mổ xong phải lấy một miếng đi thử xem coi bướu ấy thuộc dạng nào .



Trong lúc chờ đợi kết quả từ bệnh viện coi đó là bướu ác tính hay bướu lành tính , Ba tôi ở nhà tôi 



Tôi còn nhớ, đó là một sáng chủ nhật , hai cha con đi mua một cây đờn kìm … và tôi đã khóc thầm nhiều đêm trên căn gác nhà ở Cầu Chữ Y khi nghe Ba tôi đờn bản Dạ Cổ Hoài Lang … 



Sau nầy khi bình tâm lại tôi thường tự hỏi : không biết những giọt nước mắt đó tôi khóc cho Mẹ tôi hay vì Ba tôi trong tâm trạng đợi chờ đầy lo âu , căng thẳng ? 



Có lẽ cả hai .



Trong tất cả anh chị em tôi, kể cả mẹ tôi , không ai biết được bí mật nầy của tôi và Ba tôi trong những ngày chờ kết quả thử bướu cho má tôi và về lý do mà hai cha con đi mua cây đờn kìm .



Và cũng chỉ có mình tôi nghe được tiếng đờn kìm ngày ấy với bản Dạ Cổ Hoài Lang …



                                           *



Lần đó mẹ tôi chỉ bị một cái Tumeur mix - nói theo danh từ y khoa là một cái mụt hỗn hợp - vô hại .



Và cũng sau lần đó , Ba tôi treo cây đờn lên chỗ ít thấy nhất , và còn rất lâu nữa tôi không nghe Người đờn bản Dạ Cổ Hoài Lang thuở xưa …


… Nhưng rồi mẹ tôi cũng ra đi trước …


Dự báo những cung bậc u sầu trong bài Dạ Cổ Hoài Lang rồi cũng bật ra thành những tiếng tơ đồng nức nở trong cảnh kẻ ở người đi …



Tôi không được nghiên cứu sâu về âm nhạc và chưa hiểu biết tường tận về những tác động của nó , song khi Ba tôi mua cây đờn kìm lúc Má tôi bệnh nặng là một tín hiệu không vui . Ba tôi lại có ý phổ một bài ca . Phải chăng đó là khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng của Tư Mã Tương Như ?  Nhưng hởi ôi ! nàng Trác văn Quân đã ra người  thiên cổ thì biết còn ai nghe được khúc nhạc bi thương nầy ngoài những đứa con mất mẹ, lạc đàn ?



Người ta nói rằng trong một gia đình, khi người mẹ mất trước thì đối với lũ con là một sự "rã đàn tan nghé" không sao tránh khỏi được ; còn đối với người cha thì hoặc là đi cưới một bà vợ khác trẻ hơn người vợ đã chết để góp phần làm cho sự rã đám của bầy con nhanh hơn , hoặc là không chịu nổi cảnh cô đơn , người đàn ông sẽ xuống dốc rất nhanh và rồi cũng chết theo vợ ngay ở những năm sau .



Nói khác đi , khi người mẹ chết trước thì gia đình sẽ tan rã , không làm sao cứu vãng nổi .



Sau khi mẹ tôi mất đi thì đối với tôi cái rỗ may, cái ô trầu và cái bếp hầu như không còn nữa ! rồi những ngày giỗ chạp , những buổi tiệc tùng … không còn chút sinh khí nào , mặc dù các chị em gái tôi tổ chức nấu nướng cũng không phải là xoàng , song đối với tôi thì những người nầy không sao thay thế mẹ tôi được .



Ồ! thì ra cái cảnh "rã đàn tan nghé" đã thể hiện ngay chính trong tâm hồn mình chớ có đâu xa ? Phải chăng không có sự hiện hữu của Người thì bầy đàn cũng sẽ không còn nữa , hay đó là tâm lý u buồn của chúng ta đã làm tan rã cảnh sum vầy ngày trước  ?



Tôi không biết , Và tôi hy vọng sẽ tìm được câu trả lời trong tập Hồi ký nầy .



Ngày xưa, mỗi khi đến Tết hay Hè tôi đều về Cần Thơ - rất nhanh và rất sớm - dù tôi đã có gia đình , có con …Song tiếng gọi của cái bếp lửa đại gia đình bao giờ cũng mạnh mẽ hơn , cuốn hút hơn . Từ lâu nó đã chiếm trọn trái tim tôi , cho nên không năm nào tôi ăn Tết ở Sài Gòn cả … 



… Và bao giờ tôi cũng bỏ xe đò ở bên kia Bắc Bình Minh lên xe lôi đi một mạch về nhà … 



Một thời gian rất lâu, sau khi mẹ tôi mất , cái cảm giác nôn nao ấy không còn rõ rệt như trước mỗi khi xe đò đưa tôi về gần đến Bắc Bình Minh …



Còn Ba tôi ? Tuy Người không cầm được ngọn lửa trong cái bếp ngày xưa ấy , song trái với sự lo nghĩ của chúng tôi , ông không sống cô chích giữa đám con - mà vì cuộc sống phải lăn lộn ngoài đời để mưu sinh - nên chúng ít có dịp cận kề an ủi ông những khi sớm nắng chiều mưa …



 Ông là người Chồng , người Cha có một ý chí rất mạnh mẽ , biết nén dòng lệ chảy vào tim cùng với những cung bậc u sầu của bản Dạ Cổ Hoài Lang ; còn bản Phượng Cầu Kỳ Hoàng của Tư  Mã Tương Như thì ông không còn cơ hội nào để mà gẩy nữa . Nó đã cùng người khách bán cừ năm xưa đi vào giấc mộng cô miên …họa chăng còn thấy và nghe trong những giấc chiêm bao ! 
Đôi khi trong những đêm trường u tịch , ông mặc một bộ đồ trắng , thong  dong  ngồi  dạo  khúc  Dạ  Cổ  Hoài  Lang , dáng Công Tử Bạc Liêu , nhẹ nhàng , thanh thoát . Tôi nhìn ông lòng xôn xao biết bao nhiêu hình bóng cũ : Tiếng tàu đò súp lê , cảnh bến sông nhà Ngoại tôi thời đó …



Tôi bồi hồi tự hỏi : Người khách bán cừ năm xưa đó ư ? 



Phải ! Đó là ông Khách Bán Cừ ngày ấy . Song tiếng đờn bây giờ là vô vọng , không còn ai để mà nghe nữa … Nàng Trác văn quân đã ra người thiên cổ mất rồi …



Không biết Người còn giữ được chút tinh anh  nào để trộm nghe tiếng đàn bi thương ấy hay chăng ? 



Tôi làm sao mà biết được ?



Song , Nguyễn Du chẳng đã nói :"Sống là thể phách  thác còn tinh anh" đó sao ? 



                                          *



Ba tôi là con trai út trong một gia đình địa chủ ở Cà Mau. Sau khi nghỉ học , ông cứ thơ thẫn mãi không chịu lấy vợ . Ông nội tôi mất sớm chỉ còn bà nội . Song Bà cũng chỉ lo quanh quẩn những chuyện nội trợ trong nhà còn chuyện gia thất của Ba tôi thì Bà cũng chưa có chủ tâm .



Lúc ấy ông cậu Mười tôi nói với Ba tôi rằng sẽ làm mai cho ba tôi một cô gái miệt vườn ở Cần Thơ .



Thế là một ngày đẹp trời hai cậu cháu xuống tàu đi Long Mỹ  - Cần Thơ . 



Hồi đó phương tiện giao thông xa chủ yếu là bằng tàu đò. 



Tàu chạy Cà Mau - Cần Thơ là một loại tàu lớn có đủ chỗ cho khách ăn uống , nghỉ ngơi vì phải đi xa mất nhiều ngày .



Nhà ông ngoại tôi ở Long Bình - trên đường tàu đò đi ngang qua . Ông là một nhà nho làm vườn , khoán ruộng và làm thầy thuốc bắc . Nhà tuy không giàu có nhưng sống rất phong lưu .



Ông Cậu Mười nói với Ba tôi :



- Nhà có hai chị em , đứa chị 19 tuổi ; con em 17 . Cháu coi mắt đi rồi cho cậu biết cháu ưng đứa nào để cậu tính . Cậu nói với gia đình là cháu lên đây để đi dọ giá cừ để chở lên  bán . Nói như vậy để cho mình tự nhiên hơn …



Người chị thứ sáu là mẹ tôi; còn người em là dì Bảy của chúng tôi sau nầy .



Sau nầy, trong những lúc trà dư, tửu hậu mẹ tôi kể rằng : Ông Cậu Mười nói ổng là khách đi lên dọ giá cừ để bán nên cả nhà cũng  không ai để ý ; Má còn vo quần cao , vác một cậy chuối đốn ở ngoài vườn vào nhà sau … Cũng không biết ổng đang đứng ở chỗ cửa giữa ngó lom lom … 



Sau khi "dọ giá cừ" hai ngày , hai cậu cháu từ giả ra đi . Cậu hỏi Ba tôi :



- Sao ? mầy chịu đứa chị hay con em ?



- Dạ cô chị …



- Ậy , nhưng mà con chị đâu có lịch sự (đẹp) bằng con em ?
- … 



Mãi rất lâu nữa về sau nầy khi mẹ tôi không còn nữa, trong những lúc sum vầy, vui chuyện , chúng tôi cũng nêu lên câu hỏi trên , song Ba tôi chỉ cười , không trả lời … và chúng tôi bảo nhau : đó là bí mật về giá cả của Người Khách Bán Cừ …  



Một việc nữa cũng làm cho chúng tôi thắc mắc là tại sao không đi dọ giá thứ gì để bán mà lại chọn cây cừ ? 



Ba tôi nói là cũng không biết tại sao ông cậu Mười lại chọn thứ hàng đó . Có lẽ vùng Cà Mau có nhiều cây cừ tràm người ta chở đi bán khắp nơi …



                                     oOo



Ba tôi báo cho bà tôi biết là việc coi vợ đã xong . Bà bảo ông ra nhà một ông cậu họ ở xóm ngoài để coi tuổi .



Ông lão lật sách đã đời một lúc sau ông phán một câu xanh dờn :



- Tuổi Hợi và tuổi Sửu nầy không hợp ! Kết vợ chồng là Bắc San Tuyệt Mạng ! Nghĩa là lấy nhau ở không nát chiếc chiếu sẽ có người chết !



Ba tôi vốn theo tây học , song vì chìu ý Bà tôi nên ông mới đi coi thầy đó thôi .



Nghe thầy nói thế , ông cũng không hỏi gì thêm , lăn ra bộ ván gỏ giữa nhà của ông cậu ngủ một giấc . Đến chiều về ông báo với Bà tôi rằng hai tuổi nầy lấy nhau tốt lắm . Nếu cưới gấp trong năm thì còn tốt hơn …!



Sau nầy nếu có vụ cưới hỏi nào gặp trở ngại về tuổi tác ông đều cười nói :"Bắc San Tuyệt Mạng còn không có sao ! Nát biết bao nhiêu chiếc chiếu rồi, có chết ai đâu ?"  



                                         *



Nhiều lúc trà dư tửu hậu , chúng tôi hay nhắc lại chuyện "Người Khách Bán Cừ" , Mẹ tôi kể rằng ông đã một lần sử dụng phương tiện văn minh trong chuyện hẹn giờ giấc đám cưới làm cả nhà ngoại tôi một phen lên ruột, nhất là má tôi . Bà kể :



- Ổng "đánh dây thép" lên hẹn ngày , giờ đàn trai tới theo chuyến tàu đò thường lệ … 



Ông ngoại tôi cũng theo týp ông già văn minh nên cũng đồng ý cho đàn trai trình ngày , hẹn ngày bằng điện tín .



Thế là nhà ngoại tôi mời khách, vật heo , mổ bò … chuẩn bị tiệc tùng  để đón đàn trai …



Mẹ tôi nói rằng tàu Cà Mau lên đến nhà ngoại tôi thường là buổi sáng khoản 9 - 10 giờ , và trước khi ghé bến tàu đều súp lê ( ) như để báo tin cho chủ nhà biết .



Hôm đó không biết tàu bị trục trặc gì mà quá 9 giờ , rồi 10 giờ trôi qua … vẫn chưa thấy tăm hơi con tàu đâu cả …



Cả nhà ngoại tôi ai cũng lo sốt gió ! 



Bà tôi thì cằn nhằn về "cái sự văn minh" của ông tôi . Ai đời trình báo , hẹn ngày trọng đại như vậy mà bằng điện tín! Ông Ngoại và các Cậu tôi không để lộ sự lo lắng ra bên ngoài , song ai cũng có ý nghĩ rằng nếu như hôm nay đàn trai không lên thì còn gì là thể diện gia đình !  Phải nói sao với họ hàng , bà con về sự vắng mặt không lý do nầy ? 



Bạn bè của má tôi bắt đầu nhìn bà với cặp mắt ái ngại. Má tôi nói rằng khi ấy bà làm gì cũng hỏng …



Thời gian chầm chậm trôi đi và càng lúc càng siết chặt trái tim đang thổn thức của bà …



Bỗng nhiên trong cái không khí tĩnh mịt và căng thẳng đó , tiếng còi tàu súp lê vang rền …Tul…Tul…Tu… ul ….! 



Tất cả mọi người như bừng tỉnh hẳn .



Má tôi nói rằng lúc ấy bà chạy vào buồng và khóc lén một mình …!



Đó không phải là giọt nước mắt của người con gái sắp lấy chồng xa … mà đó là dòng lệ cho dù ngàn năm nữa cũng không thể tái hiện lại được nỗi niềm . Bi kịch của ngày hôm ấy quá căng thẳng có thể nói là độc nhất vô nhị trong đời sống nên mẹ tôi vẫn còn nhớ mãi mỗi khi Người nhắc lại chuyện xưa … và dòng lệ nóng hổi ấy sẽ còn mãi mãi đến ngàn sau … 



Trong phần đầu của hối ký nầy tôi tự hỏi : Không biết ở lúc  nào đó mẹ tôi còn nhớ Người Khách Bán Cừ hay   chăng ?



Viết đến đây tôi thấy lòng mình xôn xao , tâm hồn rạo rực , tôi phải ngưng lại đi đốt nhang cho mẹ tôi , và tôi van vái rằng Mẹ còn chút anh linh  thì hãy về Cần Thơ thăm lại người Khách Bán Cừ . Bây giờ ở đó Người đang cô đơn vò vỏ một mình … Cây đờn kìm tuy không còn dây nữa , song bản Dạ Cổ  Hoài Lang Người phổ thì không thể nào quên…
Không quên là không thể nào khuây, không khuây là sẽ nhớ mãi mãi đến ngàn sau … 



Ôi ! có những điều ta không làm sao mà quên được , và ta cảm thấy hạnh phúc thay ! rằng ta không thể nào quên ! … Song, đau đớn thay ! vết thương ngày ấy vẫn âm ỉ , nhức buốt đến muôn niên ! 



… Còn con, con sẽ cố gắng tái hiện những giọt nước mắt ngày xưa mà mẹ đã khóc trong buồng bà Ngoại khi nghe tàu súp lê … để Ông Khách Bán Cừ năm xưa và chúng con cùng nhớ da diết về một thuở ngày xanh năm nào rất xa , nhưng cũng rất đầm ấm và không thể nào quên….!  



Con người ta khi sự thật làm cho ta tuyệt vọng thì họ hay mơ mộng hảo huyền . Bởi thế trong bài thơ THA HƯƠNG tôi viết năm Bính Tý có đoạn :



… Ta nhớ người xưa đã cách xa…
Giờ đây chiếc bóng chỉ mình ta,
Nhớ thương thương nhớ đầy trong mắt ,
Sao vẫn còn mơ Mẹ vắng nhà …!



Và đối với Ba tôi , nỗi nhớ thương Người vẫn không bao giờ tách ra được khỏi hình bóng ấy :



… Tết nầy mình sẽ về thăm Ba ,
Nhớ sao là nhớ nỗi xa nhà ,
Mà hình bóng cũ tìm đây thấy ,
Ta khóc một mình ta với ta !



                               *



Trong bầy đàn của chúng tôi, Ba tôi không có biệt nhãn đối với bất cứ đứa nào bởi vì ông là trung tâm đoàn kết của đại gia đình . Trong nhà có đứa nào đi chệch hướng là lập tức ông uốn nắn liền , và ông nhất định không chịu bỏ qua bất cứ sự sai sót nào của đám con . Ông không khó chịu kiểu ông già Ba Tri ngày xưa , song đám hậu sinh không thể qua mặt được ông  , cũng không thể xem thường ông .



Nhiều người già , sau khi về hưu - nghĩa là không còn làm chủ gia đình về mặt kinh tế - thì không còn chút uy quyền gì với con cái nữa , thậm chí còn bị chúng coi khinh, bỏ đói, bỏ khát sống trong cô đơn, đau khổ , tủi nhục cho đến chết ! Đó là trường hợp của Bác Chín và cô Tám tôi … và còn nhiều , rất nhiều người cha, người mẹ lúc sinh thời cưng con như trứng mỏng , sống khổ cực, lam lũ … mớm cơm khi chúng chưa có răng , cõng chúng đến trường khi đôi chân chúng chưa cứng cáp, rồi từng bước dẫn dắt chúng vào đời … và khi con chim non đã ra ràng , bay ra khỏi tổ thì ít khi chúng quay trở lại ! Cái giường vợ vẫn là nơi vững chảy để cho chúng bám víu (2)  .



Ba tôi có cách xử sự của ông . Gia đình anh Hai tôi không nghe lời ông trong việc đoàn kết nội bộ thì ông đã quyết liệt đến độ dự định liều cả sinh mạng trong việc chấn chỉnh gia phong . Đó là lần duy nhất tôi thấy ông rất cứng rắn trong việc giáo dục đàn con . Tuy ông đã gần 90 tuổi , song tuổi tác không làm cho ông suy giảm ý chí quyết đoán của người cha . Ông cũng không bao giờ bi quan , chùn bước trước những tình huống hầu như nan giải . Như vậy sự "rã đàn , tan nghé" khi mẹ mất là không xảy ra , đồng thời với tính cách và sự lãnh đạo sáng suốt của Ba tôi mà anh em, con cháu trong gia đình đã hình thành nên một đại gia đình có gia pháp , đoàn kết , thương yêu, đùm bọc lẫn nhau .



Đối với Ba tôi thì mỗi đứa con có một tánh khí , hoàn cảnh của chúng luôn là đáng thương hơn là đáng trách . Có lẽ do cái nhìn bao dung đó mà ông tập hợp được sự thống nhất của chúng tôi chăng ?



Đối với Chị tôi , lúc nào tôi cũng thấy Người thở vắn than dài về công việc nhà của Chị tôi, rồi những đứa con của Chị chúng chưa biết tự lo , tự chăm sóc … về những nỗi nhọc nhằn , vất vã của Chị tôi từ khi chị mới lớn cho đến lúc tuổi đã xế chiều .



Cũng có lẽ vì thế mà trong đám con gái , ba tôi thương Chị tôi nhiều hơn cả . Những đứa em thì không đứa nào cảm thấy bất công , chúng mặc nhiên công nhận Chị xứng đáng với tình thương của Ba tôi. 



Người ta thường nói người cha hay thương con gái và người mẹ thương con trai hơn . Tôi không biết điều đó có đúng không ? Song do đặc tính giống và do đứa con là bản sao của người yêu nên cũng có thể có chút khác biệt trong tình thương cụ thể 



Chúng tôi cũng nhận thấy rõ rằng Chị tôi mang sắc thái của Mẹ tôi nhiều nhất trong các đứa con , kế đó là Út Phương cũng mang đậm nhiều nét của mẹ tôi .



Còn bọn con trai chúng tôi ?



Tôi và anh Hai tôi đã rời gia đình từ sớm . Người cận kề Ba tôi là anh thứ Tư của tôi . Anh là kiểu mẫu bậc nhất của đứa con hiếu thảo . Do đó mà Ba tôi đã chọn anh để ở lúc tuổi già . 



Song anh là người làm ăn không thành đạt lắm .



Ở với Ba tôi được mấy năm thì anh lại đi làm ăn xa … và những tháng ngày mòn mõi mà công việc không được vuông tròn … anh lại phải dẫn cả bầu đàn thê tử đi làm ăn một chuyến rõ là xa …



Mỗi lần nói về Anh , Ba tôi đều với giọng điệu xót thương , ái ngại , tuồng như Anh và cuộc sống lúc nào cũng có chuyện để Ba tôi phải đắn đo , tính toán hộ với Anh .


Đó là một tình thương thực tế, vô bờ bến , không có giới hạn không gian , và thời gian , không chịu sự chi phối của tuổi tác và sự suy tưởng tầm thường của những người vốn có mặc cảm rằng mình đã quá tuổi về hưu .



                                            (Xin xem tiếp Phần II)              
17 nhận xét: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét